kinh nghiem on thi ielts 1

Kinh nghiệm tăng band IELTS nước rút cho người không có thời gian và khó tập trung


*Bài viết về một phương pháp không truyền thống nhưng hiệu quả.
kinh nghiem on thi ielts

◼️ PHẦN I. GIÁC NGỘ

Thực trạng

Hiện mình vẫn đang là sinh viên năm 4. Bên cạnh đó, mình có một công việc part-time nhưng vì là start-up nên khối lượng và thời lượng làm việc tính ra cũng ngang full time. Trước đây mình có học để thi Đại học khối D, nhưng kể từ đó, tuyệt nhiên chưa có giây phút nào ôn luyện tiếng Anh nghiêm túc. Mà mọi người biết đấy, ngoại ngữ chỉ cần nửa năm không động đến thôi là đã mai một rất nhiều, huống chi là 3 năm. Mình có thể cảm nhận được vốn tiếng Anh của mình bị thui chột đi mỗi ngày, nhưng chỉ đến khi mình thi lần 1 vào cuối năm ngoái và nhận kết quả rất thảm hại (không tiện nêu điểm chi tiết vì thực sự thảm hại) thì mình mới biết mình đã bỏ bê bản thân đến mức nào.

Vấn đề

Có quyết tâm thôi là chưa đủ, mình lại bị thực tế tát vào mặt.

Nếu như hồi cấp 3 mình có thể ngồi ngắm một trang từ mới hàng giờ và ghi nhớ một cách khổ sai nhất thì giờ đây mình không thể học theo cách trâu bò đấy nữa. Mình có lập to-do list để làm test nhưng cứ hôm nào đi làm về mệt là mình skip không học ngày đó. Trong lúc làm bài mình cũng rất dễ mất tập trung, chỉ cần có một tin nhắn của khách là mình lại nhảy sang công việc kia cả tiếng đồng hồ. Sau đó, mình sẽ xem video mèo thêm 1 tiếng nữa và thế là đến giờ đi ngủ. Có giai đoạn mình cũng thử làm test liên tục nhưng điểm cứ giậm chân tại chỗ khiến mình bị nản. Tính đến nay, mình chưa làm hết full một quyển Cambridge nào.

Giải pháp

Mình phải khiến cho việc học dễ tiếp cận, tự nhiên và liên quan đến công việc/sở thích của mình để không còn lý do trì hoãn nữa.

Học là phải vui. Vì vui thì mới bền.

Ví dụ, mình đam mê về làm đẹp, thời trang và tất cả những gì liên quan đến phụ nữ. Giai đoạn đầu, việc học của mình sẽ lấy những chủ đề này làm gốc để nuôi dưỡng tình yêu ngoại ngữ. Sau đó, mình sẽ chuyển sang các chủ đề khác cũng thú vị như quản lý tài chính (financial management), thương hiệu cá nhân (personal branding), truyền thông và quảng cáo (marketing and advertisement), sức khoẻ tinh thần (mental health),… Theo mình đây là những chủ đề mà sớm muộn gì cũng phải biết, vậy sao không tìm hiểu bằng tiếng Anh để một mũi tên trúng hai đích luôn, hay còn gọi là một viên đá giết hai con chim? (kill two birds with one stone).

Kết luận: Chỉ khi bạn gắn được tiếng Anh vào một đam mê hoặc một chủ đề gây hứng thú thì động lực học của bạn mới không chết yểu.

◼️ PHẦN II. TU

1. Listening

Điểm yếu của mình từ trước đến nay luôn là phần nghe. Không phải vì mình không nghe được mà vì mình có khả năng tập trung kém, dễ mất bình tĩnh nên nếu nhỡ một câu là cả đoạn tiếp theo sẽ cuống và làm sai hết. Và việc luyện đề nhiều chỉ khiến mình củng cố nỗi ám ảnh đó, nhất là khi trình độ còn đang ở mức intermediate.
Vì vậy, mình quyết định tạm dừng nghe Cam, chủ yếu là vì mình thấy nó không còn vui nữa.

▪️Giai đoạn đầu, mình chọn nghe những nguồn thuộc chuyên môn của mình luôn. Subscribe các channel về makeup, beauty, fashion, lifestyle,… Khi nghe có thể nâng dần độ khó lên bằng cách nghe các kiểu accent hoặc tăng tốc độ lên từ từ.
▪️Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, những chủ đề này sẽ trở nên quá dễ dàng vì mình đã quen hết với các từ vựng của chủ đề đó rồi. Đó là đến lúc mình phải chủ động vượt ra khỏi comfort zone và bắt đầu nghe đa dạng kênh lên. Lúc này, ngoài vui ra chúng ta sẽ cho thêm tiêu chí hữu dụng. Dễ tiêu hoá nhất có lẽ là TED, vì kênh này đa dạng, diễn giả đáng tin cậy và luôn lồng ghép nội dung tạo động lực. Về lịch sử có Oversimplified rất xuất sắc. Nhiều lúc mình xem cười chảy cả nước mắt. Về tâm lý học có the School of Life,.. và rất nhiều nguồn khác. Mình sẽ chia sẻ trong một phần riêng về resource học.
▪️Cá nhân mình thấy phương pháp nghe chép chính tả không thần thánh với người có quỹ thời gian hạn hẹp hoặc khả năng nghe chưa ở mức ổn trở lên. Thay vào đó, mình tích hợp Shadowing. Nghe đến đâu mình nhắc lại đến đó luôn. So với việc viết ra 1 câu hoàn chỉnh thì việc nhắc lại câu đó chỉ tốn 1/3 thời gian. Chưa kể mình còn luyện luôn cả Speaking được nữa, lại trúng hai con chim.
▪️Mình có xem film nhưng mình xem có chọn lọc. Nếu tai nghe chưa vững, cộng thêm rào cản tâm lý thì rất khó xem không phụ đề. Vì vậy mình ưu tiên xem phim tài liệu. Phim tài liệu có nhiều điểm tương đồng với bài thi Ielts: từ ngữ chỉn chu, không có slang, tốc độ vừa phải và giọng đọc rõ ràng.
▪️ Quan trọng nhất: Cao thủ không bằng tranh thủ. Vì mình chỉ có khoảng 1 tiếng thời gian rảnh mỗi ngày nên mình phải tận dụng tối đa những khoảng trống khác để nghe thụ động. Mình cắm tai nghe lúc đánh răng, skincare, trên đường đi làm hoặc đến trường. Đặc biệt là trước khi đi ngủ, khi đó tần số não cao nên dễ hấp thụ thông tin.

2. Reading

Như đã nói, mình chưa từng làm hết một quyển Cambridge nào. Mình cũng không quá chú tâm đến những “chiến thuật làm bài đọc”. Công thức đạt điểm tối đa Reading của mình = 10% tốc độ + 90% hiểu sâu. Muốn có tốc độ thì phải đọc nhiều, muốn hiểu sâu thì phải đọc kĩ.

▪️Mình rất thích dùng Instagram, phần vì mình nhớ thông tin theo dạng hình ảnh tốt hơn, phần vì công việc của mình gắn liền với mạng xã hội này. Vậy nên mình tạo riêng một account, bên cạnh việc xem meme, sẽ follow các hãng tin lớn hoặc các tổ chức quốc tế. Ưu điểm của việc này là trong lúc giải trí vẫn có thể dung nạp kiến thức (scrolling without guilt). Hơn nữa, câu chữ dùng làm caption trên MXH phải cô đọng và súc tích, các bạn sẽ học được kha khá từ vựng và cấu trúc câu hay.
▪️Đọc sách, báo có chọn lọc, nên bắt đầu với những chủ đề bạn quan tâm trước. Nếu không thích đọc the New York Times hay the Guardian thì cũng không cần phải cố. Cá nhân mình cũng ít đọc những tờ này vì không phải là lĩnh vực quá quan tâm, hơn nữa lúc đầu vốn từ ít, đọc cũng dễ nản.
▪️Có một số cuốn bestseller mà mình nghĩ ai thi Ielts cũng nên đọc: 21 lessons for the 21st century. Đọc và nghiền ngẫm riêng cuốn này thôi thì độ tự tin khi thi đọc, nói và viết có thể tăng lên gấp đôi rồi. Cứ thử và trải nghiệm nhé.
▪️Trùm cuối và quan trọng nhất: Để tối ưu hoá việc đọc sách thì sau mỗi chương, đặc biệt là những chương tâm đắc, các bạn có thể dừng lại vài phút để tự sắp xếp lại ý chính trong đầu. Sau đó tóm tắt bằng sơ đồ tư duy hoặc viết vài câu ra giấy. Tuyệt vời hơn thì có thể tự thuyết trình cho bản thân qua tờ note đó. Đây chính là bước ngoặt trong việc học reading của mình. Cách này không chỉ buộc mình phải thực sự hiểu văn bản mà còn giúp xây dựng kho ý tưởng cho phần viết và nói. Chứ bình thường mình đọc đến cuối trang là đã quên mất đầu trang viết gì rồi.

3. Writing

Đây là kĩ năng mình chủ quan nhất, hôm đi thi là lần đầu tiên mình viết 1 bài hoàn chỉnh trên máy. Kết quả là mình chưa kịp viết xong kết bài task 2 thì máy đã tự động báo kết thúc. Qua đó, mình rút ra bài học trị giá 4.750.000 như sau:

▪️Dù ít dù nhiều, nhất định phải luyện viết dưới áp lực thời gian các bạn nhé.
▪️Với tư cách là một người yêu nước (H2O), mình đã dành 4 phút phần Writing để đi vệ sinh. Mình đã nghĩ có thể dành thời gian đi bộ từ phòng thi đến nhà vệ sinh để brainstorm, nhưng thực tế thì mình quá tập trung vào nhiệm vụ chính. Vậy nên nếu phải đi thì hãy đi từ lúc làm Reading.
▪️Dù không luyện viết full bài nhưng mình vẫn có một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những câu và idea mình tâm đắc trong quá trình đọc sách hoặc luyện nghe ở trên. Tuy nhiên, mình không ghi chép tràn lan hay tuỳ tiện, chỉ note lại những ý thực sự gây ấn tượng, như thế mới nhớ lâu.

4. Speaking

Trước có thời gian mình học thử trên Cambly và nói chuyện với 2 thầy từng làm IELTS examiner. Các thầy đều nói rất khó để đạt điểm Speaking cao với một cái đầu rỗng. Không có kiến thức xã hội để phát triển ý mà chỉ chăm chăm nhồi nhét mẫu câu hay idioms thì chỉ dừng ở mức 6, cùng lắm là 7 chấm.

Đây cũng chính là tiền đề để mình theo đuổi phương pháp học thật, học những thứ có ích và thực tế.

So với lần thi trước, mình đã tăng 1.5 band điểm nói chỉ nhờ áp dụng những cách sau:

▪️Đọc và nghe nhiều giúp cải thiện tư duy trình bày RẤT ĐÁNG KỂ.
▪️Như đã nói ở trên, việc luyện Shadowing từ lúc nghe giúp mình luyện phát âm, ngữ điệu,… Đừng coi thường việc nhại. Kể cả khi bạn nhại theo một cách vô thức, một lượng kiến thức nhất định cũng sẽ đi vào tiềm thức và trở thành của bạn.
▪️Nói chậm lại và hạ giọng xuống. Khoa học đã chứng minh khi bạn nói nhanh thì nhịp thở và nhịp tim của bạn cũng nhanh theo, khiến bạn càng lo lắng và dễ nói vấp.
▪️Luyện nói nhuần nhuyễn ở các thì quá khứ, hiện tại hoàn thành và tương lai. Chia động từ sai là một trong những lỗi phổ biến nhất khi tâm lý căng thẳng. Hãy thử tự ghi âm và nghe lại bài nói của mình để đếm số lỗi ngữ pháp này nhé.
▪️Hít thở hít thở hít thở. Mình đã thi hai lần và bài học xương máu là: Hít thở càng sâu, kiểm soát tâm lý càng tốt thì nói càng phiêu.

◼️ PHẦN III. HÁI QUẢ

Mỗi người, ở mỗi thời điểm khác nhau, cần có những phương pháp học khác nhau.

Suy cho cùng, điểm IELTS cũng chỉ là một con số. Điều mình thấy tâm đắc nhất là đã tìm ra phương pháp biến nỗi sợ thành đam mê.

Hãy nhớ: “Chỉ khi bạn gắn được tiếng Anh vào một đam mê hoặc một chủ đề gây hứng thú thì động lực học của bạn mới không chết yểu.”

Mình tin chắc rằng nếu những người áp dụng phương pháp “chơi ra học, học ra chơi” này mà kiên trì đeo bám mục tiêu thì cả vốn ngoại ngữ và vốn sống cũng sẽ không ngừng đi lên. Việc đạt điểm IELTS như mong đợi chỉ còn là một trong những hệ quả tất yếu.

Đừng coi ngoại ngữ là một cái đích đến. Thay vào đó, hãy xem nó như một công cụ để khám phá tri thức của nhân loại.

 Change your mind, change your life.

Ps: Chúc các bạn thi tốt ♥️ Enjoy the journey.

Leave a Reply

Your email address will not be published.