Xem nhanh
1. Xả hơi cũng phải có kiểu và có điểm dừng.
Tâm lý chung của những sĩ tử thi đại học xong là xoã, xoã đến “mút chỉ” (từ này mình mới học được trong từ điển tiếng Việt, nghĩa là đến tột cùng).
Không nói đâu xa, mình chính là một ví dụ. Gần như 6 tháng đầu tiên mình không màng đến chuyện đi học lắm. Mình cho phép bản thân ngủ nhiều hơn, ăn nhiều hơn, không học kĩ năng mới và dùng mạng xã hội nhiều đến báo động.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn phá hỏng cả 1 tổ hợp thói quen tốt đã dày công xây dựng trước đó.
2. Ôm đồm là tự sát.
Cuộc sống đại học có nhiều thứ thật mới mẻ khiến bạn cảm thấy nếu bạn không làm tất cả những thứ đó ngay và cùng một lúc thì bạn sẽ bỏ lỡ một cái gì đó (lại FOMO). Và thế là bên cạnh việc học, bạn đi làm thêm tối ngày, bạn đăng kí không chỉ 1 mà 2 câu lạc bộ,… Cuối cùng là việc gì bạn làm cũng không đến nơi đến chốn.
Hãy đủ can đảm để hỏi bản thân rằng: Công việc part-time/Câu lạc bộ này có còn đang dạy mình những thứ mình cần không? Chi phí cơ hội để tham gia là gì? Thời gian đó, mình có thể làm/học được cái gì có ích hơn không?
3. “Your network is your net worth”.
Network trong trường đại học có 2 kiểu: với bạn bè và với thầy cô.
Với bạn bè, giờ có thể họ cũng là những sinh viên như bạn, nhưng sau này một trong số đó sẽ trở thành chủ doanh nghiệp, nhà báo, luật sư,… Mà thực ra bất kể họ làm ngành nghề gì thì cũng sẽ có lúc bạn cần đến những người bạn của mình. Họ có thể cho bạn lời khuyên, trở thành đối tác, và quan trọng hơn cả, là chỗ dựa tinh thần vững chãi của bạn.
Thêm nữa, nếu bạn đang bị lợi dụng hay đang ở trong một mối quan hệ toxic, chỉ có bạn bè là đủ sáng suốt để nhận ra và đủ thân thiết để “tát” cho bạn tỉnh ngộ.
Với thầy cô, việc tạo dựng mối quan hệ tốt là lợi đủ đường. Bạn được tiếp xúc với những người từng trải, học hỏi từ cả những thất bại và thành công của họ. Chưa kể, thầy cô còn có thể làm cầu nối giúp bạn mở ra nhiều mối quan hệ khác, nhờ đó, cánh cửa tương lai của bạn càng rộng mở.
Và làm thế nào để tạo được network? Nếu phải nói ngắn gọn thì 2 từ thôi: CHỦ ĐỘNG và TỬ TẾ.