Xem nhanh
“Không đỗ đại học” hay “trượt đại học” nghe có vẻ vô cùng đao to búa lớn và khiến chúng ta năm 18 tuổi cảm thấy dường như mình mất đi tất cả. Nhưng có phải như vậy hay không? Liệu thật sự trượt đại học có khiến bạn mất đi nhiều đến thế, hay đây chỉ là tư tưởng xã hội đã đè ép lên bạn suốt một thời gian quá dài?
1. Mất kiến thức?
Tất cả có ở trên mạng. TẤT CẢ. Một số có sẵn, một số cần đào sâu nghiên cứu và chắt lọc. Một số cần phải bỏ tiền mua qua các chương trình online. Nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn chi phí đi học đại học nhiều lần.
Chưa kể, những thứ bạn tìm được trên mạng có khi còn mới và cập nhật hơn giáo trình ở đại học. Hiện nay thế giới chúng ta đang sống thay đổi TỪNG NGÀY, đặc biệt với những khối ngành như công nghệ thông tin.
2. Mất network?
Nghe có vẻ đúng, nhưng theo quan sát của mình, có network hay không chủ yếu là ở bản thân.
Không phải cứ đi học trường top là có network xịn. Đầy người sau 4 năm đại học, tốt nghiệp ra trường, network không có gì ngoài những người bạn thi thoảng hẹn đi trà chanh chém gió.
Không xây dựng được mối quan hệ với thầy cô, không tìm được người dẫn dắt, các mối quan hệ bạn bè cũng không giúp gì trong việc phát triển tư duy hay sự nghiệp.
Ngược lại, có nhiều người ở nhà thì mà vẫn tạo network như thường. Căn bản vì họ hiểu bản chất của network đến từ hai yếu tố: bản thân có giá trị và có thái độ cầu thị.
3. Mất thời gian?
Đây là nỗi sợ phổ biến nhất, nhưng lại vô lý nhất. “Em sợ bị chậm mất 1 năm.” Nhưng chậm so với cái gì mới được cơ chứ?
- Nếu định thi kinh tế mà trượt, dành 1 năm đó để cày hết các khoá về kinh tế từ vĩ mô đến vi mô trên Coursera hoặc Udemy.
- Nếu định thi marketing mà trượt, dành 1 năm đó nghiên cứu giáo trình marketing căn bản, làm thương hiệu cá nhân, xây website, lập kênh tiktok,… vì với Marketing, không gì bằng thực chiến cả.
Bạn chỉ mất thời gian khi bạn tốn toàn bộ 24h trong 365 ngày để stress về việc mình bị chậm.
4. Mất danh dự?
Có thể trong vòng 1 2 năm với một xã hội trọng hình thức như hiện tại. Nhưng trong 10 năm nữa, người ta nhìn vào bạn là ai, bạn cống hiến được gì cho xã hội. Chứ hiếm khi người ta hỏi 10 năm trước bạn thi đại học được bao nhiêu điểm lắm.
Và đúng ra, danh dự của bạn không nằm ở tấm bằng đại học, càng không nằm trong mắt người khác. Trừ khi bạn cho họ cái quyền đó.
Kết luận
Kể cả khi đã đỗ và tốt nghiệp đại học thì quan trọng là kỹ năng, là có làm được việc hay không, chứ không hẳn là cái bằng. Vậy nên đỗ thì tốt. Có trải nghiệm. Nhưng không đỗ thì cũng tốt. Có thêm thời gian để học những thứ thực sự đáng học mà không tốn thời gian cho những môn rườm rà râu ria.
Và quan trọng hơn cả, là có thêm thời gian để biết mình thực sự muốn gì và cần gì.