Xem nhanh
Sau quá nhiều lần phải trải qua những kì thi mang tính chất quyết định trong sự nghiệp học hành, mình đã rút ra một bài học xương máu: Thắng hay thua là ở tâm lý.
Vì một lý do nào đó, vào khoảng thời gian trước mỗi kì thi quan trọng, mình đều gần như rơi vào khủng hoảng, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đỉnh điểm nhất là hai lần thi Đại học và thi cấp 3, lần nào thi thử kết quả cũng rất thảm hại (Thi thử đại học 20 điểm, thi thử cấp 3 không đủ điểm đỗ nguyện vọng 2) khiến mình càng cảm thấy bế tắc hơn. Thành tích học trên lớp thì kể từ cấp 3, lúc nào cũng thuộc top 1/3 từ dưới lên nên càng không có lý do để tự tin về kiến thức.
Trước đây, mình ngây thơ tin rằng việc sống sót qua các kì thi là nhờ “Học tài thi phận”, do mình may mắn. Tuy nhiên, sau này, mình mới hiểu ra rằng: trong thi cử không có cái gọi là “phận”, may mắn cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ…
1. Gỡ bỏ kì vọng
Kì vọng từ thầy cô, cha mẹ và chính bản thân mình là nhân tố chính tạo ra áp lực khổng lồ trong mỗi kì thi. Thứ áp lực này có thể bóp nghẹt, thậm chí khiến bạn đột nhiên quên hết tất cả những gì đã học ngay khi bước vào phòng thi. Nên nhớ rằng, kể cả có áp lực thì cũng không giải quyết được vấn đề. Chi bằng cứ hít thở thật sâu, bình tình, rồi chữ tự nhiên lại bay vào đầu.
2. Hiểu rằng không có gì là tận cùng của thế giới
Ngày xưa, mình cứ nghĩ nếu thi trượt đại học thì đời mình coi như chấm hết. Giờ ngẫm lại mới thấy đó là tư duy ếch ngồi đáy giếng. Nếu tại thời điểm này mình không thi đỗ, thì chắc chắn đó là sự sắp đặt rằng có một điều gì đó đang cần được trải nghiệm trước khi dành 4 năm cuộc đời cho đại học. Mà thực ra, sau này đi làm rồi mới thấy, đại học không phải là con đường duy nhất. Và cũng không phải con đường tốt nhất.
3. Đến điểm thi sớm
Nói ra thì xấu hổ nhưng mình đi đâu cũng muộn, chỉ có khi phải đi thi là đến sớm. Đơn giản bởi vì mình đã từng đi thi muộn, và tâm thế lúc đó khác hẳn với tâm thế chủ động, thong thả của một thí sinh đến sớm. Nói chung là kì thi nào cũng rất áp lực rồi, đừng tự làm khổ bản thân bằng cách đến muộn rồi ảnh hưởng đến tâm lý cả buổi thi.
4. Mang tất cả những thứ cần mang
Đặc biệt là đồng hồ. Có ý thức về thời gian sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều và quan trọng nhất là không bỏ lỡ một phần nào trong bài thi. Đừng để rơi vào tình huống tưởng còn 30 phút nhưng thực ra chỉ còn 10 phút. Một khi tâm lý đã hoảng loạn vì thời gian rồi thì 10 phút đấy cũng coi như bỏ đi.
5. Tập trung vào chính mình
Trong phòng thi sẽ có vô vàn yếu tố gây xao nhãng: thí sinh khác xin giấy quá nhanh, các bạn bấm máy tính liên tục,… thậm chí đôi lúc bạn còn nghe được cả những thí sinh khác bàn bài nữa. Mặc kệ họ, sự thật là chắc gì họ đã giỏi hơn mình. Và thường càng tự ti, kiến thức càng rỗng thì hay mới có thói quen trao đổi bài. Sửa theo hội đấy từ đúng thành sai là tiếc cả đời đó.
6. “Fake it till you make it”
Liên tục tự nhủ, bằng miệng hoặc bằng suy nghĩ, rằng: “Mình làm được”, “Mình thi đỗ”. Đây vừa là luật hấp dẫn vừa là tự kỉ ám thị. Dù bạn có thể không tin nhưng những câu khẳng định này sẽ ngấm vào tiềm thức và tiếp cho bạn sức mạnh vào những lúc tưởng như tuyệt vọng. Ít nhất, nó cũng giúp bạn bớt tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực.
7. Chiến lược cuốn chiếu
Thi đến đâu xong đến đâu. Tuyệt đối không nán lại trao đổi đáp án hay nghĩ ngợi về những câu chưa làm được. Vì có để làm gì đâu?
8. Đi ngủ sớm.
Ngay và luôn. Nếu ai giờ này còn đang ôn tập thì mình khuyên chân thành là nên leo lên giường đi, bởi bạn sẽ còn thao thức chán chê không ngủ được. Đừng cố ôn thêm 2, 3 bài văn không giải quyết vấn đề gì đâu. Một giấc ngủ sâu có giá trị gấp nhiều lần. Nó sẽ giúp bạn tỉnh táo, tự tin và tư duy thông suốt hơn.
Cuối cùng, quan trọng nhất, đó là hãy có niềm tin vào bản thân mình.
Không cần biết là quá trình học trước đó có toang thế nào, chỉ cần bạn sốc lại tinh thần ở chính thời điểm này, phong độ của bạn sẽ đạt đỉnh vào thời khắc mang tính quyết định.
Chúc các bạn may mắn. Và đừng quên, thắng hay thua là ở tâm lý.