Ai quen mình thì đều biết mình là người tôn sùng chủ nghĩa tự học. Trước khi bỏ thời gian và tiền bạc đi học một cái gì đó, mình sẽ cân nhắc đến hàng tháng trời.
Nhưng đến thời điểm này, mình có thể nói rằng đi học TESOL là quyết định đúng đắn nhất trong năm nay.
Tại sao lại học TESOL?
TESOL là viết tắt của Teaching English to Speakers of other Languages, là chứng chỉ quốc tế về kỹ năng giảng dạy tiếng Anh.
Ban đầu, cũng như mọi người, mình nghĩ chắc chỉ có dân sư phạm mới đi học TESOL. Nhưng phải đến khi mình gặp lại 2 người bạn của mình thì mình mới bị thuyết phục.
- Người đầu tiên là một chị mình rất ngưỡng mộ.
Hồi xưa mới ra trường, chị cũng như đại đa số các sinh viên năm cuối khác, còn loay hoay không biết bước tiếp theo của mình là gì chứ chưa nói đến đam mê.
Lúc đó, kinh nghiệm làm việc thì ít, trong tay chỉ có tấm bằng Kinh Tế, chị quyết định ngừng việc rải CV khắp nơi. Thay vào đó, chị đi học thêm một chứng chỉ sư phạm để tận dụng khả năng tiếng Anh.
Sau một năm đi dạy, chị bắt đầu thực hiện ước mơ du lịch vòng quanh thế giới. Tuy nhiên, để làm được việc này thì chỉ có 2 cách: hoặc là tiết kiệm được rất nhiều tiền, hoặc là vừa đi du lịch vừa kiếm tiền. Chị chọn cách số 2 vì số tiền chị tích cóp được chưa thấm vào đâu để đi du lịch nhiều nước.
Tính đến nay, chị đã đi được 12 nước, và đi đến đâu, chị cũng dạy tiếng Anh, cả online lẫn offline. Bằng cách này, chị có thể tự chu cấp cho hành trình của mình và tiếp xúc với những người bạn đến từ các nền văn hoá khác.
Chị bảo: “Tuổi trẻ là tuổi dễ và nên đi đây đi đó nhất, vì khi đó chưa có quá nhiều trách nhiệm. Dù là một năm hay nửa năm cũng được, nên thử học hoặc làm việc ở nước ngoài một lần trong đời. Những trải nghiệm đó sẽ thay đổi mình rất nhiều, nhiều đến mức chỉ những người đã trải qua mới hiểu được.
Đi đi, để biết mình là ai và mình muốn gì.”
- Người thứ hai học tài chính, đã làm kiểm toán ở một tập đoàn Big4 được 3 năm.
Mình nhớ ngày đó, lúc nào gặp, cũng thấy anh trong trạng thái mệt mỏi và thiếu ngủ. Công việc văn phòng này đúng với chuyên môn của anh, nhưng nếu tiếp tục đi làm như thế này thì anh không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu nữa. Nhiều lúc anh cũng tự hỏi rốt cuộc thì mình đang cố gắng vì điều gì? Và thế là anh bỏ.
Lúc ấy trong tay chưa có đủ vốn để kinh doanh, chỉ có mỗi ngoại ngữ. Thế là anh đi học TESOL với hy vọng nó sẽ mở ra cơ hội việc làm khác. Bẵng đi khoảng 2 năm, anh đã có một cơ sở tiếng Anh nhỏ. Và lần này gặp lại, mình thấy anh tràn trề năng lượng.
“Hồi xưa có nằm mơ cũng không nghĩ mình sẽ đi dạy tiếng Anh, căn bản vì trong trí nhớ của anh, việc học tiếng Anh trên lớp khá nặng nề và nhàm chán. Nhưng đó thật sự là tư duy của ếch ngồi đáy giếng.
Đi học về rồi mới thấy kỹ năng sư phạm quyết định đến 80% chất lượng dạy học. Nếu ngồi trong một lớp học mà học sinh không hiểu bài, cảm thấy chán nản thì chủ yếu là do giáo viên chưa có phương pháp tiếp cận phù hợp.
Việc đứng lớp rèn luyện cho anh sự tự tin, khả năng nắm bắt tâm lý và thuyết phục người khác, khác hẳn với con người rụt rè trước đây. Sau này, nếu có nhảy sang kinh doanh thêm mảng khác thì anh cũng không ngại vì đã có kỹ năng mềm rồi.”
Trăm nghe không bằng một thấy.
Phải đến khi bản thân mình tự trải nghiệm, mình mới thấm thế nào là đi một ngày đàng, học một chục sàng khôn.
Trong ảnh là thầy Adrian, là người cho mình hiểu thế nào là dạy học đúng nghĩa. Nó khác hoàn toàn với những định kiến trước đây của mình về ngành sư phạm.
Dù sau này có theo đuổi sự nghiệp giáo dục một cách chuyên nghiệp hay không, thì tư duy và kỹ năng học được từ thầy đều là những trải nghiệm hữu ích để mình tiến lên trên mọi chặng đường sắp tới.